Chọn người lên thuyền
Bài 1: Mời ai vào làm chung
1. Tui còn nhớ 1 lần ở lớp học môn leadership (lãnh đạo) bên HBS, thầy chỉ 1 bạn trong lớp và hỏi, anh có thể cầm được bao nhiêu quân? Bạn ú ớ thì thầy đưa lên bảng có 1 số phân chia theo kiểu quân đội xưa, mỗi nước sẽ có 1 cách phân loại, nhưng dễ nhớ là tiểu đội (tiếng Anh là squad, cỡ 10 người), trung đội (là platoon, cỡ 20-49 người), đại đội (company) là 50-200 người. Tới đây thì bạn đó xin thầy dừng lại, không cần vẽ thêm sơ đồ tới phần tiểu đoàn - trung đoàn - sư đoàn - binh đoàn đâu, vì bạn chỉ có thể quản lý tối đa cỡ 200 nhân sự thôi, tài năng có hạn nên làm tới đại đội trưởng là hết nấc. Thú vị là chữ đại đội cũng là chữ company, giống chữ công ty.
Khả năng cầm quân rất quan trọng trong quản lý, có nhiều người ở cấp tiểu đội rất giỏi nhưng tới cấp đại đội thì quản lý kém. Cũng có người quản lý cấp tiểu đội không xuất sắc, nhưng từ cấp đại đội trở lên thì làm cực tốt (nhưng không ai cấp nhỏ - quán xuyến không được mà lại quản được cấp lớn hết, vì cấp lớn cũng là những tập hợp của cấp nhỏ mà thành). Tương tự trong kinh tế, có nhiều người quản lý team cỡ chục nhân viên thì hiệu quả, nhưng khi công ty phát triển lớn hơn thì lộn xộn, phải mời người chuyên nghiệp vào quản lý mới có hiệu quả. Nhiều nhà tư sản lớn có tiền, xây khách sạn rất to, phong 4- 5 sao nhưng vài năm thì phải gỡ biển thương hiệu riêng, mời tập đoàn quản lý chuyên nghiệp họ vào, ăn chỉ 30%-40% nhưng công suất phòng kín, còn mình tự làm thì không có khách, vì đủ thứ chuyện.
2. Toán cấp 1 với cộng trừ nhân chia số nguyên 1-2-3-4, có thể áp dụng ra đời sống dễ dàng. Mua 1 ký táo, trả lại nửa ký, chia cho 5 người,...đều là toán cấp 1. Làm ăn buôn bán nhỏ lẻ lặt vặt thì cũng chỉ dùng toán cấp 1 cấp 2. Nhưng tới toán cấp 3 thì khác, chỉ có thể ứng dụng trong lĩnh vực cao cấp như thị trường chứng khoán, tỷ giá hối đoái, phân tích đồ thị biểu đồ phát triển nền kinh tế, doanh thu doanh nghiệp, thiết kế công trình kiến trúc lớn....Những cái log, sin, cos, đạo hàm vi phân hay hình học không gian...cũng giúp cho loài người có đường sắt cao tốc, máy bay, tàu ngầm, internet, công nghệ vũ trụ, điện toán,...Có người toán cấp 1 cấp 2 thì giỏi, nhưng tới toán cấp 3 thì đuối vì óc tưởng tượng và logic không đủ để theo những cái này. Và cũng có người ngược lại, toán cụ thể cấp 1 cấp 2 thì tính rất chậm, nhưng tới toán cao cấp thì giỏi xuất sắc.
Trên thế giới, các ĐH thường chia thành 2 loại, loại hàn lâm là để đào tạo tinh hoa (rất ít), còn lại là phục vụ nhu cầu nâng cao dân trí, nước nào cũng vậy. Ví dụ ở TQ, ĐH tinh hoa chỉ vài ba chục trường, giúp quốc gia này có những thành tựu kinh tế khoa học kỹ thuật vượt bậc, bay cả vào không gian. Còn lại thì là ĐH để nâng cao dân trí, ai cũng học được, và đại đa số ra đời làm việc không dính dáng gì đến chuyên ngành đào tạo, thậm chí chỉ có thể lao động chân tay. Ở ĐH tinh hoa, những môn học như Toán, Triết, âm nhạc hội hoạ cổ điển,... được SV hưởng ứng nồng nhiệt và thảo luận rất sâu, họ hứng thú vô cùng vì não đủ trình để hiểu. Còn lại, ở các trường ĐH để phục vụ nâng cao dân trí, những khái niệm như biện chứng hay duy vật duy tâm...chỉ là những từ vựng giúp sinh viên ngủ ngon hơn trong lớp. Họ thích trà sữa, chạy xin chụp hình với ca sĩ diễn viên chứ không thích xem tranh hay nghe nhạc thính phòng, họ thích cắm mắt vô ĐT coi clip chứ không thích đọc sách, vì đơn giản là không đủ trình để hiểu, không thấy thú vị. Đầu óc họ quan tâm những cái thuộc về tò mò cá nhân, đánh giá mọi thứ dựa trên bề nổi và hiện tượng hơn là bản chất sự việc, vì triết học không đủ sâu.
3. Ở những ĐH bình thường, vẫn có tỷ lệ nhân tài nhất định, họ hiểu được bản chất sự việc và giàu ý chí vươn lên. Ở những ĐH tinh hoa, vẫn có những bạn tầm thường, hiểu nhưng không thực hiện được, nói được nhưng không làm được vì do bản năng mạnh hơn ý chí, do đầu óc nhỏ bé an phận hoặc chỉ thấy cái trước mắt. Các doanh nghiệp muốn phát triển tốt, khi nhận nhân sự, nên sử dụng những bài test về Toán học, Triết học và Ngôn Ngữ, bài tập tình huống... để phân loại (bố trí vào làm người thực thi công việc cụ thể hay là hạt nhân của cấp quản lý sau này). IQ thấp thì đẩy mạnh EQ, ví dụ vậy, Triết học kém thì đẩy mạnh kỹ năng ngôn ngữ (học tập được) thì cũng có thể làm việc tốt.