Lựa và chọn

A đang học lớp 12, gặp tình yêu sét đánh với bạn gái, tâm trí chỉ nghĩ đến nhau. Lúc A học bài thì không thể nhắn tin, không đưa đi uống trà sữa được nên bạn khóc giận, A mất mấy ngày để dỗ dành. Mẹ A bảo "A, giờ con chọn đi, tình yêu hay tập trung học để có sự nghiệp". A quả quyết "con chọn cả 2, con muốn thi đậu vào ĐH Y khoa, muốn có IELTS 8.0 để xin học bổng du học, muốn có bạn gái vì đó là 1 nửa của con. Con không thể thiếu cô ấy, cũng không thể thiếu sự nghiệp". Bà mẹ nói "ở đâu ra vậy, con cũng chỉ có 24h và 8h để ăn, ngủ". A cuối cùng chọn chia tay cô bạn để tập trung học hành. Cô bạn đến đứng trước nhà A mấy ngày khóc lóc, tối nào về cũng nghĩ đến chuyện quyên sinh. 6 tháng sau thì cô có bồ khác, 1 năm sau thì cô lấy chồng, nói với bạn thân "không biết ngày xưa sao tao yêu được cái thằng vớ vẩn đó". 10 năm sau, bác sĩ A không nhớ nổi cô bạn, người mà mình từng nghĩ là "sinh ra là cho nhau, chia tay là tử biệt" có họ và chữ lót là gì, chỉ còn nhớ mỗi cái tên. 

Câu chuyện trên nói về sự lựa chọn của mỗi người. Cuộc đời là chuỗi các lựa chọn. 



Sáng ngủ dậy, mình quánh răng trước hay ăn sáng trước? Quánh trước thì ăn sáng ngon hơn, nhưng ăn xong lại hôi miệng. Nếu quánh nữa thì tốn kem, tốn nước, tốn công...

Ăn ở nhà hay ra quán? Ăn nhà thì nhiều thời gian bằm xắt nhưng sạch sẽ an toàn, ăn quán thì trả tiền đứng dậy đi có người dọn dẹp, gọn nhẹ nhưng thể nào cũng nạp thêm 1 ít hoá chất vào người. 

Tiếp tục cuộc sống cũ hay vác ba lô lên đường phiêu bạt? Ở lại thì chấp nhận sự quen thuộc, nhàm chán nhưng an toàn, ít rủi ro. Ra đi thì chấp nhận sự bất ổn, bất an, có xác suất bị tai nạn nhưng sẽ có được sự kỳ thú. 

Tiếp tục sự tự do của người độc thân FA hay sự ràng buộc kiểm soát của người có gia đình? Cuộc sống nào cũng có cái hay riêng, cái mệt mỏi riêng. Từng có khoảng thời gian sống vui vẻ với ai đó thì mình trân trọng những khoảnh khắc quá khứ ấy, vì chính mình cũng đã từng thấy thú vị cơ mà. Và người ta cũng đã tốn thời gian (trong cuộc đời ngắn ngủi của người ta) để quan hệ với mình, mắc mớ gì ghét họ. Thành cũng do 2 phía, mà đổ vỡ thì cũng tại cả hai. Thái độ của người ta sao đó với mình, là do thái độ của mình trước. 

Chấp nhận dẹp 1 mối quan hệ (ví dụ vớ phải người chồng vợ bạn gái bạn trai thuộc nhóm tiêu cực) để không phải nhức đầu cãi cã giận hờn khóc lóc mỗi ngày? Nếu tiếp tục giữ quan hệ này thì đừng có than vãn vớ vẩn. Chọn đi. Còn cha mẹ tiêu cực hoặc đòi kiểm soát mình chặt chẽ? Mình không thể dẹp được mối quan hệ với họ, vì đó là tình thân. Nhưng có thể chọn cách viếng thăm nhiều lần nhưng mỗi lần tiếp xúc ngắn lại, hỏi thăm tí xíu thì đi, rồi mai mốt ghé chơi nữa. Tránh ở chung, tránh tâm sự kể lể để không bị lây lan tiêu cực. 

Có bạn nói, việc mình đang làm, sao thiên hạ nói ra nói vào, mình buồn quá. Thì tại mình lắng nghe. Miệng là của họ, sao cấm được. Tai là của mình, nghe hay không là do mình. Viết cái gì đó trên mạng là quyền của họ, xem hay không là quyền của mình. Ai bảo ngồi đọc bình luận chi rồi căng thẳng. Người ý kiến nhiều trên mạng thì đều là tỷ phú thời gian, đầu óc sao đó mới rảnh rỗi vậy. Có cần thiết để ý những quan điểm của netizens (cư dân mạng)? 

Chấp nhận làm tiếp việc cũ hay thay đổi? Làm lĩnh vực đã có kinh nghiệm hay lĩnh vực khác mới mẻ? Làm cái cũ thì dễ, làm cái mới thì khó. Làm cái cũ thì khoẻ, khả năng mất tiền thấp, nhưng chán. Làm cái mới thì thử thách, nguy cơ mất mát cao, nhưng thú. 

Định mua cái gì đó, tính toán đã rồi không mua, thấy nó tăng giá, bạn tiếc hùi hụi? Vì sao lại tiếc, bạn đã có ra quyết định lúc đó đâu? 

Đã chọn thì dấn thân, còn chọn rồi mà cứ nha nhấp nhổm thì mình là đứa vớ vẩn. Muốn bắt thỏ thì tập trung 1 con mà bắt, cứ nhìn con này con kia thì 1 lúc đàn thỏ sẽ chạy hết khỏi tầm mắt. Chỉ có 1 quỹ thời gian, chọn làm A thì không B và ngược lại. Chọn trường này mà tiếc trường khác thì học sao tốt. Mắt nhìn sang cỏ đồi khác và nghĩ nó xanh hơn thì tâm không yên. Gặp 1 chút trở ngại liền nói "giá như lúc đó tôi...", đời sẽ lập tức trở thành bi kịch. 

Chọn một lý tưởng sống, một đức tin, một tôn giáo, một trường phái, một lối sống,...là do mình. Nhưng đã chọn rồi thì phải tin, đừng có chừa lòng nghi ngờ mà không trở thành người tử tế được, thậm chí mang tội "khi sư diệt tổ" với trời đất. Xưa, rất nhiều gia đình mặc định cha mẹ theo đạo nào thì con theo đạo ấy, nhưng hiện giờ đã có sự thay đổi. Những đứa trẻ sẽ được phép vô thần, đến 18 tuổi, chúng nó thấy tin thì theo, không thì thôi. Hoặc nó tin và theo đạo khác, tuỳ. Văn minh là phải như thế. 

Bạn có thể chọn mất máu để hiến máu. Bạn có thể chọn cơ thể không nguyên vẹn khi chết để hiến tạng. Bạn có thể chọn hoả táng khi chết vì biết đất đai là dành cho người sống. Nếu cảm giác thương người lớn hơn cảm giác tiếc tiền, tức lòng bác ái lớn hơn lòng tham, thì sẽ sẵn sàng cho từ thiện.

Ở lại thành phố hay về nông thôn? Ở TP thì chấp nhận cảnh ồn ào đông đúc xô bồ, kẹt xe, tắc đường, đĩ điếm, trộm cướp, giang hồ, chụp giật, tranh giành, lừa lọc, con người quan hệ với nhau lấy lợi ích là chủ đạo, chẳng ai quan tâm ai, hàng xóm tên gì làm gì ở đâu không rõ. Người chọn sống ở phố thì đều chọn mưu cầu danh-lợi (cao nhân, người tu hành thật sự, không màng danh lợi thì họ đã ở chỗ nào vắng vẻ hoặc trên núi cao hết rồi). Nhưng bù lại thì TP có tiện nghi như nhiều quán xá, chỗ giải trí vui chơi, nhiều trường học, bệnh viện hiện đại, những sứ quán nước ngoài, hội chợ triển lãm, đi lại dễ dàng, dịch vụ tốt. Người đông, doanh nghiệp nhiều thì xin việc dễ, kiếm tiền nhanh. Đã chọn ở phố thì sao than vãn chi cái xấu của nó. Chọn cái tiện ích tận răng thì phải chấp nhận sống chật chội, chấp nhận đánh đổi vài năm tuổi thọ vì ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ánh sáng, stress...



Còn sống quê ư? Bạn sẽ có không khí trong lành, người dân dễ thương nhưng sẽ buồn, vắng, cơ hội để xin việc làm ít, dịch vụ kém, chậm chạp, người ta dòm ngó, soi mói nhiều. Bạn phải tự làm, phải lao động chân tay vì mọi thứ không dâng tận răng như ở phố. Các bạn thấy các cụ trong làng đều tám mấy, chín mấy vẫn khoẻ mạnh hoạt động bình thường trong khi ở phố, bảy mấy đã thấy thở hồng hộc lấy hơi lên rồi. Đã chọn sống thọ thì phải chấp nhận cảnh sống vắng vẻ tịch liêu muỗi mòng chứ đòi vui mà đòi thọ, sao được. Đâu phải hào hứng 1 phút, thấy người ta làm vườn làm farm thì mình cũng bắt chước. Cuộc sống nông thôn nào có thích hợp cho người lười? Ba ngày là chán, khăn gói lên phố ngay. Con người vốn chọn sướng, chọn dễ chứ mấy ai chọn khổ, chọn khó?

(Cũng có bạn giải bài toán này bằng chọn sống ở thành phố nhỏ, thị xã nhỏ, có tiện nghi mà không đông đúc xô bồ. Cũng là 1 sự lựa chọn hay). 

Cuộc đời là chuỗi những sự lựa chọn. MẤT cái này để ĐƯỢC cái khác, ĐƯỢC cái này và chấp nhận MẤT cái nọ. Không thể có cả 2. Không thể chọn làm anh hùng hào kiệt mà chỉ thích cuộc đời bằng phẳng, êm ái, dễ dàng. 

Bạn có thể chọn 1 cuộc đời vĩ đại hay một cuộc đời bé nhỏ. Bạn có thể đứng vào hàng ngũ tầng lớp tinh hoa hay tầng lớp bình dân. Tinh hoa thì nghĩ cho người khác, thực hành được 2 chữ CHO ĐI, và được người ta nể. Bình dân thì làm mọi thứ cho mình, triết lý sống là LẤY VÀO, và chấp nhận bị người ta khinh. 

Tất cả là do CHÍNH MÌNH lựa chọn. Mình lựa kỹ, rồi chọn. Lựa là bỏ vào giỏ hàng. Còn chọn là bấm nút thanh toán. 

Chọn rồi, không hối hận, không trách người. Do mình cả thôi. 

Kết quả cuộc đời, không phải thiên ý, mà là nhân ý.

https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/