Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm
(truyện ngôn tình kiểu Tony)
1. Những năm 80, chị Quyên là sinh viên ĐH Tổng hợp, còn anh Nam là sinh viên ĐH xây dựng. Chị Quyên hát rất hay, còn anh Nam thì là một tay ghi-ta cực giỏi. Anh chị quen nhau khi tập văn nghệ của hội sinh viên Tp Hà Nội. Bài hát nổi đình nổi đám lúc đó là bài "Đất nước tình yêu" được anh chị bẻo dèn (biểu diễn) rất thành công.
“Khi anh nói, yêu em
Vườn cây, đầy hoa trái
Khi anh nắm tay em
Mây giăng giăng bay
Chỉ còn ánh trăng ngà.
Và khi chúng ta yêu nhau
Chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm…”
Tác giả ca khúc này là cô giáo Lệ Giang, dù là một “tay ngang” nhưng sáng tác của cô khá đặc biệt, vì nói như người xưa là “nhạc trung hữu thi hữu họa” (trong nhạc có thơ có tranh), chạm đến trái tim người nghe. Rất là hay (xong phần văn phân tích, em chỉ ngắn gọn vậy thôi, cho mấy điểm cũng được tùy cô).
Khi tốt nghiệp, chị Quyên vào miền Tây công tác, còn anh Nam thì về quê lúa Thái Bình tiếp tục "bên luỹ tre xanh xây nhiều công trình". Chị Quyên kể, lúc đó 2 anh chị suy nghĩ nhiều lắm. Chia xa, lòng người ai biết được, theo thói quen, người ta sẽ cố giữ vì nghĩ giữ thì mới được. Nhưng anh chị vẫn tin nhau, nếu tình yêu đủ lớn, thì phải giúp nhau sống đúng với đam mê của mình. Chị nói, tuổi trẻ gắn liền với tình yêu. Tình yêu cho chúng ta năng lượng để học tập, lao động, hướng đến sự nghiệp của mỗi người. Tình quê hương đất nước, tình yêu với đức tin, tình yêu với cha mẹ người thân, tình yêu với công việc... tất cả, đều là tình yêu. Yêu là phải đẩy nhau thăng hoa, không nên vì yêu mà kéo ghì lại, hay suốt ngày ỉ ôi khóc lóc, căng thẳng, mệt mỏi trong nghi ngờ, trong đau khổ, trong nhớ nhung….dẫn đến mọi thứ đều kém đi. Tình yêu, phải là năng lượng dương, không nên là năng lượng âm (ồ dé).
Chị Quyên kể, tình yêu của anh chị là những cánh thư có đóng dấu bưu điện hai miền. Sau những lần đi công tác xuống vùng nuôi tôm, ước mơ làm chủ một nhà máy chế biến thuỷ sản trong chị bùng cháy. Muốn làm cái nghề đó thì phải bắt đầu từ vị trí thấp nhất. Thế là chị xin nghỉ, đi làm công nhân lột tôm trong ánh mắt ngỡ ngàng của bao người. Chưa ai nghĩ là một cô gái mảnh mai, đài các, học hành bài bản như vậy lại có thể khoác bộ đồ công nhân vào suốt ngày cắm mặt với mấy con tôm. Nhưng chị nung nấu một đam mê khác. Chia sẻ với anh Nam, anh rất ủng hộ và viết thư vào động viên suốt là đừng bỏ cuộc.
Sau 2 năm làm công nhân, có lần một khách Nhật qua hướng dẫn kỹ thuật làm tôm sú nobashi, do tiếp thu nhanh nên chị được ban giám đốc đề bạt lên tổ trưởng, rồi quản đốc phân xưởng rồi phó giám đốc nhà máy. 7 năm sau khi chia xa để xây dựng cơ đồ, anh Nam vào Bạc Liêu, tổ chức đám cưới với chị. Một đám cưới đặc sệt miền Tây của 2 người miền Bắc, với xuồng ba lá, cây chuối làm nhà tạm, lá dừa kết hoa…Anh chị “song kiếm hợp bích”, chín xu đổi một hào, cứ có tiền là mua ao tôm bỏ của bà con, cả anh lẫn chị xắn quần lội xuống đắp đất be bờ cải tạo lại. Vì không tốt nghiệp ngành thuỷ sản nên phải mày mò, tối nào chị cũng đọc hàng trăm trang sách chuyên môn, còn anh đi học ĐH tại chức ngành thuỷ sản. Khi xí nghiệp thuỷ sản gần đó thua lỗ phá sản, anh chị đã đủ tiền mua lại, phát triển thành một doanh nghiệp lớn. Bao năm chia xa, tình yêu của anh chị vẫn vẹn nguyên, vì chị nói, bài hát thời sinh viên nó vận vào người anh chị rồi "Và khi chúng ta yêu nhau, chẳng kẻ thù nào làm con tim ta yếu mềm". Giờ con cái chị đã đi du học, thành công dân toàn cầu cả. Anh chị tranh thủ lễ tết là nắm tay nhau đi du lịch, ngắm hoàng hôn Bali, ngắm đêm trắng St Peterburg, ngắm bình minh mũi Hảo Vọng… Nằm trên khoang hạng nhất của các chuyến bay đường dài, giọng chị Quyên vẫn vang vọng với bài hát ngày xưa. “khi anh nói, yêu em…”. Anh Nam liền nói “thôi nín đi Quyên, để người ta ngủ”.
2. D và L, một cặp đôi khác mà Tony biết. D mang nhiễm sắc thể XY còn L nhiễm sắc thể XX (nói chung đọc văn Tony phải nhớ kiến thức phổ thông chứ hem nhớ sẽ hem hiểu). Ngày D có học bổng đi du học, L kiên quyết phản đối, sợ mất bồ. L cắt các bài báo về xả súng, khủng bố, động đất….ở nước ngoài cho ba mẹ D xem. L đeo bám D hàng ngày, sáng bắt chở đi ăn sáng, ăn tối. D trái ý 1 chút là L khóc bỏ ăn. Rồi ba mẹ D cũng không đồng ý cho D đi du học, sợ mất con. Là một cậu bé ngoan nên D chấp nhận mọi ý kiến của gia đình, của người yêu, không dám sống đúng với ước mơ của mình. Ba mẹ D luôn nói với D “tình cảm gia đình mới là quan trọng, phải giữ lấy bằng mọi giá”. Một đám cưới rình rang đãi ở Văn Thánh tới cả trăm bàn. D vô làm công ty ba mẹ L quen, được vài năm thì lên trưởng phòng kinh doanh. D bắt đầu giao thiệp nhậu nhẹt, L thì tăng cường kiểm soát. Mỗi lần D đi họp lớp hay cà phê bạn bè là L đi cùng, L vô ngồi thù lù chỉ ăn và uống, lườm và nguýt nên bạn bè dần dần ngại, hết dám rủ D đi. Ban ngày D đi làm thì cứ 1h L nhắn tin 1 lần, không trả lời lại là L gọi hết mọi người trong công ty của D để kiểm tra. D đang ở quán nhậu thì 5 phút L gọi, bắt phải đưa máy xem ai đang ngồi cạnh. D cứ thấy điện thoại vợ gọi đến là suỵt mọi nhiễm sắc thể XX có mặt ở đó phải im, không được lên tiếng, rồi nhờ bạn nam nào đó nói giùm. L không cho D đi công tác, sợ hư hỏng. L nói, L khổ lắm. Vì tập tục “trọng nam khinh nữ, năm thê bảy thiếp” của hủ tục nho giáo con sót lại, cứ chồng ngoại tình là 2 người phụ nữ bị lên án, một người không biết giữ chồng, còn người kia là giật chồng nên 2 cô phải lao vào đánh nhau (Hai cô gái Tây hẻm có vậy bao giờ. Người chồng trong ngoại tình thường được xã hội cho là vô tội, trong khi đó lại là nhân vật chính. Xử lý mại dâm cũng vậy, chỉ xử lý người bán dâm. Trong khi trong kinh tế học hiện đại, nguồn gốc giao dịch là từ cầu, chứ không phải từ cung). Để giữ chồng kẻo bị chị Dư anh Luận lên án, cứ sau 11h đêm, nếu D chưa về là L đánh thức đứa con gái dậy. Tội nghiệp con bé, vẫn còn đang ngái ngủ nên nói qua điện thoại như cái máy theo lời mớm của L, đại loại "ba về với con đi, con nhớ ba lắm, con không ngủ và chờ cửa đây nè"... L dùng tình yêu con cái đánh vào sự yếu mềm của D, khiến D lao về vun vút bằng xe máy, có lần suýt tai nạn giao thông.
Khi về nhà là cảnh khóc than chì chiết, D bắt đầu chán và thích ra ngoài nhiều hơn. Và D cũng nói dối chuyên nghiệp hơn, trong quán nhậu, tiệm mát xa, nhà nghỉ chứ D cũng nói “anh đang họp”. Mà nói vụ nhà nghỉ mới nhớ, chưa có nước nào trên thế giới nhà nghỉ và mini hotel nhiều như ở ta. Hotel, nhà nghỉ...là lữ quán, là nơi trú ngụ của khách đến một địa phương khác, vì họ không có nhà ở mới trú qua đêm. Chưa thấy ở nước nào khách sạn có ghi cho thuê ngắn hạn, 50 ngàn 1 giờ, 70 ngàn 2 giờ. Có khách lữ hành lỡ bước nào cứ vô nghỉ 1h, 2h rồi ra? Toàn dân địa phương đeo khẩu trang vô đó.
D cũng muốn ly hôn, nhưng không dám, vì sợ dị nghị. D tiếp tục lừa vợ sống với mấy thú vui xôi thịt của mình, lâu lâu cười đắc thắng vì đã lừa được một vài người đàn bà tội nghiệp. L cứ chờ D ngủ là móc điện thoại ra coi, đóng vai D nhắn lại các tin nhắn có vẻ nghi ngờ, rồi lục lọi email máy tính. Trước khi giặt đồ, L coi từng mm trên áo trên quần có dấu hiệu lạ không. Có đêm, khi D nói là đang họp đối tác, L không tin nên đánh thức con bé dậy, chở qua bà ngoại gửi, rồi xoã tóc phóng như bay đi tìm ở mọi nhà nghỉ, tiệm mát xa, quán cà phê… trong thành phố để “bét quả toang”. Nhưng trí tuệ của L sao vượt được các cậu giữ xe ở đây mà đòi bét. Cứ khách vô là các cậu sắp xếp quay đầu xe ra cửa, giấu biển số vào trong, đầu xe SH, Air Blade nào chả giống nhau. L rình bắt miết không được thì ôm con bỏ về nhà ba mẹ ruột. D lại sang năn nỉ thề thốt đủ kiểu nhưng hôm sau vẫn y chang vậy. Kết cục của 10 năm hành hạ nhau, níu kéo nhau là một quyết định ly hôn ở toà. D thì luôn miệng đổ tội, trách móc, tại cô ấy mà mình không đi du học, không có sự nghiệp. Còn L thì trách móc nói D đã lấy mất tuổi thanh xuân của cô. L cho rằng nếu biết D sống giả dối hai lòng như vậy, cô đã lấy thằng M thằng Q thằng K gì đó. L bây giờ nhìn đời bằng ánh mắt hằn học, luôn cáu bẳn khó chịu. Và D thì triền miên trong các vui thú rượu bia để trả thù đời.
3. Trong CLB con dượng có 2 bạn John và Marie, Tony đặt tên tiếng Anh cho quốc tế chứ tên thật là Tèo và Mận. John và Marie cưới nhau được 2 năm, hiện John đang ở Israel theo chương trình thực tập sinh nông nghiệp còn Marie đang xuất khẩu lao động ở Nhật ngành trồng nấm. Ước mơ của Marie là làm chủ trang trại nấm mỡ, còn John là chủ nhà máy chế biến nấm. Vợ cung cấp nguyên liệu cho chồng và chồng là đầu mối tiêu thụ của vợ. Cả 2 sinh năm 89, nên quyết định chưa có em bé, tạm biệt để gây dựng sự nghiệp chung. Ngày lên đường, John bay đi Tel Aviv, Marie sang Tokyo. Họ chia tay nhau tại sân bay Băng Cốc. Lúc đứng trước cửa check in, Marie với theo dặn dò, rằng anh nhớ coi mấy ông chủ Do Thái quản lý nhà máy, em muốn xí nghiệp của vợ chồng mình cũng phải được sắp xếp một cách khoa học thông minh hiệu quả như họ. Lúc rảnh rỗi, John lên facetime dặn Marie nhớ coi tụi Nhật nó làm cái gì, ghi chép lại mang về. Còn trẻ phải cực khổ lao động, phải chịu chia xa để sau này về già, hai đứa mình sẽ sống cuộc sống phong lưu tuyệt đỉnh. Sẽ lang thang khắp nơi trên thế giới, mùa thu ngắm lá vàng ở London, mùa đông đục băng câu cá ở Alaska, mùa xuân đi Nhật hái hoa anh đào về ép vở, mùa hạ thì đi New Zealand trượt tuyết.
"Ôi Việt Nam, đất nước tình yêu.
Anh dắt em đi ôn nhiều kỷ niệm.
Và nhiều ước mơ,
cuộc sống mãi mãi đang chờ".
https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/