Tủ sách, tủ rượu và tủ lạnh

Năm ngoái có một bạn mua cuốn sách Cà Phê cùng Tony về, ngồi đánh máy lại mất mấy ngày, làm ebook rao bán. Bán mãi không được, hoá ra các bài đều có trên fb, bạn tưởng như sách khác. Bạn gửi mail cho Tony, mail đầu nói sao anh ngu thế, đăng hết lên mạng thì in sách ai mua? Mấy ngày sau, nhận thức thay đổi, lại gửi mail xin lỗi nói em đọc xong, thấy xấu hổ quá, từ nay xin chừa, thôi không khôn nữa.

Hôm đứng trong cửa hàng photocopy trước cổng trường 1 ĐH lớn, Tony thấy các bạn nói nhau "một đứa mua sách của thầy thôi, đem ra photocopy cho cả nhóm, tiết kiệm cả 8 nghìn đồng/cuốn". Tony nhìn thấy thấy chữ nhoè nhoẹt nhưng mặc kệ, lãi 8000 đồng tức 40 cents vẫn làm. Nhiều thầy cô xuất bản giáo trình, phải in 1000 cuốn mức tối thiểu của Nxb nhưng chỉ bán được có vài ba cuốn gọi là, vì có một số sinh viên mang tiếng là đại học nhưng luôn có ý nghĩ "ngu gì mua sách bản quyền", bất chấp tình cảm và đạo đức. Rồi lại thấy một số bạn vô photocopy thành những tờ be bé nhằm quay bài, trí tuệ mắt mũi chân tay huy động để đối phó với giám thị. Năng lực không có nên mọi giá phải có tấm bằng để có thể sinh sống được. Nhìn gương mặt cả chục đứa khôn quắt queo trên con đường trở thành trí thức, thấy ớn quá chừng. 

Các bạn trẻ tập thói quen hào sảng bằng cách mua sách giấy có bản quyền, không "khôn vặt tiểu nông", tìm cách bẻ khoá lấy ebook ra đọc. Cái gì miễn phí là bu lại, giành giật thì mình tránh xa. Họ không khả năng kiếm tiền mới bu vô chỗ miễn phí ấy. Mình muốn sở hữu cái gì thì bỏ tiền ra, của cho là của nợ. Có năng lực là tự làm. Tự học. Tự lập. Tự kiến lập sự nghiệp và nhân cách. 

Đừng lấy không của người khác, trừ khi mình là thiếu nhi, người già, người tàn tật, được phép. Tư tưởng "yêu thích miễn phí, nếu không miễn phí thì âm thầm ăn cắp" làm mình nhỏ bé tiểu nông mãi. Mình mua bản gốc như là một cách tri ân trí tuệ công sức của tác giả. Không photo giáo trình nữa, công thầy cô biên soạn, công nhà in và đơn vị phát hành. Mua sách giấy còn để lưu trữ mai sau, tạo thành tủ sách của gia đình. Con cái lớn lên, qua nhà bạn bè chơi, về hỏi ủa sao ba mẹ cũng biết chữ không đọc sách? Sao nhà mình không có tủ sách mà chỉ có tủ quần áo, tủ rượu và tủ lạnh? Sao nhà mình chỉ có phòng ăn, phòng ngủ, phòng tắm mà không có phòng đọc sách? Sao nhà mình mọi hoạt động cứ xoay quanh các nhu cầu cơ bản như ăn, ngủ rồi tắm?

Dù ở phòng trọ, cũng tự tạo 1 góc văn hoá đọc cho chính mình. 

Hãy tạo một ngôi nhà đúng nghĩa. With a home library, một thư viện gia đình.

P/S:.Bạn có bắt tay vào làm ngay hay cũng "bữa nào sẽ làm" rồi quên mất như hàng trăm dự định mãi mãi là dang dở?


https://www.facebook.com/TonyBuoiSang/